Blog

Cấu tạo và hoạt động của các thiết bị cơ trong tủ lạnh

Tủ lạnh là thiết bị không thể thiếu cho nhu cầu bảo quản thực phẩm hiện nay. Cấu tạo và hoạt động của các thiết bị cơ trong tủ lạnh như thế nào ? Bạn đọc có thể tìm hiểu các thông tin trong bài viết dưới đây nhé.

Cấu tạo và hoạt động của các thiết bị cơ trong tủ lạnh dân dụng

1. Máy nén tủ lạnh

1.1 Nhiệm vụ

Máy nén có 2 nhiệm vụ chính:

+ Tuần hoàn môi chất lạnh ( hút và nén môi chất)

+ Duy trì áp suất ngưng tụ và bay hơi

1.2  Đặc điểm cấu tạo

Đặc điểm cấu tạo máy nén pittông được biểu diễn trên hình 2.1

1- Trục khuỷu; 2- Tay biên; 3- Xilanh; 4- Pittông; 5- Khoang nén; 6- Lá van nén; 7- Lá van hút; 8- Khoang hút; 9, 10- Bình tiêu âm

11- Rôto 12- Stato;  13- Các cực đấu điện;  14- ống hút;  15- Ống nén;  16- ống nạp gas 17- Dầu bôi trơn;  18- Mối hàn.

1.3  Nguyên tắc hoạt động

– Quá trình hút :

Khi pittông chuyển động từ điểm chết trái (ĐCT) sang điểm chết phải (ĐCP), thể tích trong xilanh tăng dần, áp suất trong xilanh giảm xuống. Khi áp suất trong xilanh nhỏ hơn áp suất trong khoang hút thì lá van số 7 mở ra, môi chất vào trong khoang xilanh. Pittông chuyển động đến ĐCP thì kết thúc quá trình hút.

– Quá trình nén :

Pittông chuyển động từ ĐCP sang ĐCT thể tích trong khoang xilanh giảm dần, áp suất khoang xilanh tăng dần, khi áp suất trong khoang xilanh lớn hơn áp suất trong khoang nén thì lá van nén mở, môi chất được nén vào thiết bị ngưng tụ.

1.4  Vị trí lắp đặt

Máy nén thường được đặt ở phía sau và bên dưới của tủ, đường hút của máy nén được nối với dàn lạnh, đầu đẩy được nối với dàn nóng.

2. Thiết bị ngưng tụ

Thiết bị ngưng tụ là thiết bị trao đổi nhiệt. Với tủ lạnh thiết bị ngưng tụ thường là dàn ngưng trao đổi nhiệt đối lưu tự nhiên giữa một bên là hơi môi chất có nhiệt độ cao với môi trường không khí có nhiệt độ thấp hơn.

2.1 Nhiệm vụ

Toả nhiệt của môi chất ra môi trường bên ngoài. Môi chất thải nhiệt chuyển từ pha hơi sang pha lỏng (quá trình ngưng tụ).

2.2 Cấu tạo

Dàn ngưng của tủ lạnh là các dàn trao đổi nhiệt đối lưu tự nhiên. Vật liệu là đồng hoặc thép được chế tạo thành ống. Dàn ngưng được để hở bên ngoài hoặc được dấu bên trong lớp vỏ tủ. Hình 2.2

2.3 Vị trí lắp đặt

Dàn ngưng được lắp từ đầu đẩy của máy nén đến trước phin sấy lọc

3. Thiết bị bay hơi

 Định nghĩa : Là thiết bị trao đổi nhiệt giữa một bên là môi chất lạnh sôi và một bên là môi trường cần làm lạnh

3.1 Nhiệm vụ

Thu nhiệt của môi tr­ường lạnh cấp cho môi chất lạnh sôi ở nhiệt độ thấp

3.2 Cấu tạo

Đại bộ phận dàn bay hơi là kiểu tấm có các rãnh cho môi chất lạnh tuần hoàn, vật liệu là thép không rỉ hoặc nhôm. Nếu bằng nhôm hoặc vật liệu dễ ăn mòn người ta phủ một lớp bảo vệ không ảnh hư­ởng đến chất lượng thực phẩm bảo quản. Tuy nhiên cũng có loại làm bằng ống đồng hoặc ống nhôm có bố trí cánh.

3.3 Vị trí lắp đặt:

Lắp sau ống mao hoặc van tiết l­ưu và trư­ớc máy nén trong hệ thống lạnh.

Hinh 2.3 – Các dạng dàn bay hơi: (DBH)

a) DBH kiểu ống đứng; b) DBH kiểu ống xoắn; c) DBH ống cánh; d) DBH dạng ống tấm; e,f) DBH kiểu tấm cuốn bằng thép không rỉ và bằng nhôm

4. Phin sấy lọc

4.1 Cấu tạo

Phin sấy lọc của tủ lạnh thường được gộp chung trong một vỏ hình trụ bằng đồng hoặc bằng thép, bên trong có l­ưới chặn, có thể thêm lớp nỉ hoặc dạ, giữa là các hạt hoá chất có khả năng hút ẩm như­ silicagel hoặc zeôlit.

  • Phin sấy

Nhiệm vụ: Để hút ẩm (hơi n­ước) còn sót lại trong vòng tuần hoàn của môi chất lạnh. Ở tủ lạnh gia đình, chỉ 15mg ẩm cũng đủ gây tắc ẩm hoàn toàn.

  • Phin lọc

Nhiệm vụ: Dùng để lọc bụi cơ học ra khỏi vòng tuần hoàn môi chất lạnh như cát, bụi, xỉ, vẩy hàn, mạt sắt… tránh tắc bẩn và tránh làm hỏng máy nén và các chi tiết chuyển động.

4.2 Vị trí lắp đặt

Phin sấy lọc được lắp sau thiết bị ngưng tụ trước tiết lưu (Hình 2.5)

5. Tiết lưu (ống mao ; cáp)

5.1 Nhiệm vụ

Tiết lưu có nhiệm vụ làm giảm áp suất của lỏng môi chất từ áp suất ngưng tụ xuống  áp suất bay hơi. Độ dài ngắn, đường kính lớn nhỏ của tiết lưu phụ thuộc vào công suất và nhiệt độ bảo quản của tủ. Cung cấp và điều chỉnh đủ lượng môi chất lỏng cho dàn bay hơi, phù hợp với tải nhiệt của dàn. Duy trì áp suất bay hơi ổn định.

5.2 Cấu tạo

Tiết lưu thường được làm bằng đồng có đường kính rất nhỏ (d = 0,15 ; 0,2 ; 0,3 mm) hình 2.6

5.3 Vị trí lắp đặt

Tiết lưu được lắp vào vị trí trước dàn bay hơi, sau phin sấy lọc

Tags

 
 
 
 
Gọi ngay
Địa chỉ